Thượng Đế Là Khởi Nguyên Của Vụ Trụ
- Duc An Nguyen
- 27 thg 3, 2023
- 13 phút đọc
Đã cập nhật: 22 thg 6, 2023

Những triết gia Hi Lạp cổ đại tin rằng vật chất là thiết yếu (không thể không tồn tại) và không được tạo ra, do đó tồn tại vĩnh hằng. Thượng Đế (nếu tồn tại) đã thiết lập sự hài hòa, trật tự cho vũ trụ, nhưng ngài không có tạo nên vũ trụ. Quan điểm triết học này của Hy Lạp tương phản với tư tưởng của người Do Thái cổ đại.
Những nhà viết kinh Hebrew tin rằng rằng vũ trụ đã không luôn tồn tại nhưng được Thượng Đế tạo dựng tại một thời điểm nhất định trong quá khứ. Câu đầu tiên trong kinh thánh Hebrew khẳng định: “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời và đất” (Sáng Thế 1:1). Dần dần hai hệ tư tưởng truyền thống mang tính cạnh tranh này bắt đầu ảnh hưởng lẫn nhau.
Trong nền triết học phương tây, cuộc tranh luận không dứt về bản chất của vũ trụ có sự khởi đầu hay không đã kéo dài hơn một ngàn năm qua. Chủ đề tranh luận đó cũng diễn ra giữa người Do Thái và Hồi Giáo, Công Giáo và Tin Lành. Tuy nhiên vào thế kỷ 18, nhà triết học vĩ đại người Đức Immanuel Kant cho rằng những cuộc tranh luận đó là hồi kết, vì hai bên đều có thể đưa ra những lí lẽ thuyết phục, do đó phơi bày sự phá sản của bản thân lý luận!
Bước vào thế kỷ 20, nhân loại đã có những khám phá vĩ đại về khoa học khiến chúng ta phải thay đổi nhận thức về mọi thứ. Trong mọi thứ đó, câu hỏi về sự hiện hữu của Thượng Đế trong bối cảnh của nền khoa học hiện đại trở thành chủ đề tranh luận sôi động hơn bao giờ hết trong giới học viện. Nổi bật nhất phải kể đến Triết gia William Lane Craig là một trong nhiều triết gia tiêu biểu đã đóng góp vào chủ đề này. Ông đã hồi sinh những lập luận cổ đại, và trang bị cho chúng một loại vũ khí mới—khoa học hiện đại. Ông đã trình bày, bảo vệ và tranh luận về những lập luận của mình ở những học viện, trường đại học danh giá nhất trên thế giới. Thậm chí, nhà khoa học Sam Harris nhận định:
“Dường như ông là nhà biện giáo Cơ Đốc duy nhất đã đặt sự kính sợ Chúa vào trong lòng những người bạn vô thần của tôi.”
Trong bài viết này, mình sẽ trình bày tóm lược lập luận vũ trụ học mang đậm bản sắc của ông nhất—lập luận vũ trụ học Kalam. Lập luận này được trình bày đơn giản như sau:
I. Bất kỳ vật thể nào bắt đầu tồn tại đều có nguyên nhân cho sự tồn tại của nó.
II. Vũ trụ bắt đầu tồn tại.
--------------------------------
III. Do đó, vũ trụ có nguyên nhân cho sự tồn tại của nó.
I. Bất kỳ vật thể nào bắt đầu tồn tại đều có nguyên nhân cho sự tồn tại của nó. Một vật thể không thể bắt đầu xuất hiện từ hư không. Nguyên tắc này là nền tảng của lý luận. Nếu một vật thể bắt đầu tồn tại mà không có nguyên nhân, nghĩa là nó bắt đầu hiện ra hư không. Một người nghiêm túc không thể tin rằng một ngôi làng có thể tự nhiên xuất hiện từ hư không mà không có một nguyên nhân giải thích.
Nếu quả thật là vũ trụ có thể tự nhiên xuất hiện ở một thời điểm nào đó trong quá khứ, đáng lẽ chúng ta sẽ chứng kiến hiện tượng vật thể tự nhiên xuất hiện từ hư không thường xuyên hơn. Để làm khoa học, các nhà khoa học đồng ý với giả thiết rằng luôn có mối quan hệ nhân quả giữa các hiện tượng.
Một vài người sẽ phản đối với lý do rằng, trong vật lý lượng tử, chúng ta có thể quan sát thấy các hạt ảo xuất hiện từ hư không. Có ba vấn đề với nhận định này.
1. Chúng ta không chắc là hạt ảo tồn tại.
2. Không phải tất cả các nhà khoa học đều tán thành với lời giải thích theo trường phái Copenhagen, cho rằng các hạt ảo hình thành mà không có nguyên nhân.
3. Ngay cả khi cho rằng các hạt ảo hình thành không theo một định luật nào, nó cũng ra đời bởi sự biến thiên chân không lượng tử. biến thiên chân không lượng tử không phải là tình trạng hư vô, nhưng đó là môi trường năng lượng tuân theo định luật vật lý nhất định.
Do đó, chúng ta có thể kết luận tiền đề 1 là đúng, hoặc ít nhất là đúng hơn phản đề của nó.
II. Vũ trụ bắt đầu tồn tại. Có những lập luận triết học và bằng chứng khoa học xác nhận tính đúng đắn của tiền đề 2.
a. Lập luận triết học: Một số lượng vô cùng các sự kiện không thể tồn tại trong thực tế. Nếu vũ trụ tồn tại vĩnh cữu, tức là đã có một số lượng vô hạn các sự kiện xảy ra trước ngày hôm nay trong lịch sử của vũ trụ. Nhưng ý tưởng này tạo ra những viễn cảnh nghịch lý nếu nó có trong thực tế.
Hãy xem xét Nghịch lý Hilbert về Khách sạn Lớn của nhà toán học lừng danh David Hilbert.
Giả sử bạn sở hữu một khách sạn có số phòng nhất định, và tất cả các phòng đều đã có người ở. Khi một vị khách đến để thuê phòng, bạn bắt buộc phải nói xin lỗi và đề nghị họ kiếm phòng tại một khách sạn khác. Nhưng bây giờ hãy giả sử, bạn sở hữu một khách sạn có số lượng phòng là vô hạn, và tất cả các phòng đều đã có người ở, tức là không còn bất kỳ phòng trống nào trong khách sạn vô hạn.
Khi một người đến khách sạn để thuê phòng, bạn thông báo với vị khách nọ rằng, “chúng tôi đã hết phòng, nhưng đừng lo, tôi sẽ sắp xếp cho ông một chỗ." Sau đó, bạn gõ cửa và đề nghị vị khách ở phòng #1 di chuyển sang phòng #2, vị khách ở phòng #2 di chuyển sang phòng #3, phòng #3 sang phòng #4, và cứ tiếp tục cho tới vô cùng, vị khách ở phòng #n chuyển sang phòng #n+1. Kết quả là, phòng #1 trở thành phòng trống. Vị khách mới đến có thể nhận phòng, mặc dù lúc ông ấy đến thì khách sạn đã hết phòng.
Tuy nhiên, mọi chuyện trở nên kì quặc hơn khi bạn quay lại quầy tiếp tân và thất có số lượng vô hạn các vị khách mới đến thuê phòng. Lúc đầu bạn hơi chần chừ, nhưng sau một hồi suy nghĩ, bạn nói những vị khách mới chờ bạn sắp xếp phòng.
Bạn đến gặp vị khách phòng #1, đề nghị họ sang phòng #2, vị khách phòng #2 sang phòng #4, vị khách phòng #4 sang phòng #8. Cứ như vậy, từng vị khách sẽ chuyển sang phòng có số phòng gấp đôi số phòng hiện tại của mình, tức là vị khách phòng #n chuyển sang phòng #2n. Vì tất cả các số tự nhiên nhân với hai (x2) thành số chẵn, nên hiện tại tất cả các phòng có số lẻ đều trống.
Vậy nên, bạn có thể cho tất cả những vị khách mới nhận phòng số lẻ, mặc dù lúc họ xuất hiện, khách sạn của bạn đã hết phòng trống. Nếu như khách sạn này có thực, bạn sẽ phải đặt tấm bản hiệu là “HẾT PHÒNG, NHƯNG LUÔN CÓ CHỖ CHO MỌI NGƯỜI". Nghịch lí trên cho thấy nếu một tập hợp vô cùng các sự kiện dường như không thể tồn tại trọng thực tế.
Do đó, vũ trụ không thể tồn tại vĩnh cữu, nhưng ắt hẳn đã có một sự khởi đầu.
Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét những bằng chứng khoa học ủng hộ tiền đề 2.
b. Bằng chứng khoa học: Vào cuối thế kỷ XIX, nhiều nhà khoa học tin rằng vật lý đã đạt được đích đến cuối cùng với sự thành công của Cơ học Newton (ngày nay chúng ta gọi là Cơ Học Cổ Điển) trong việc giải thích các hiện tượng vật lý. Việc còn lại chỉ là lắp đầy những khoảng trống.
Thế nhưng vào năm 1905-1915, nhà khoa học trẻ Albert Einstein đề xuất là chúng ta cần phải thay đổi nhận thức về thực tại với Thuyết Tương Đối Rộng. Trái với quan niệm của cơ học Newton về không gian-thời gian như là sân khấu tĩnh tại và vĩnh hằng để các ngôi sao nhảy múa, và mang lại cho vũ trụ một dáng vẻ như quan sát của chúng ta, Thuyết Tương Đối Rộng cho rằng chính không gian-thời gian mới thực sự là nhân vật chính tạo nên hình thể của vũ trụ.
Dưới đây là một vài đặc tính của vũ trụ Einstein:
1. Học thuyết này dựa trên một giả thiết là tốc độ ánh sáng là không đổi trong môi trường chân không.
2. Không gian và thời gian bị vật thể có khối lượng lớn bẻ cong và tạo nên độ cong nhất định trong không gian-thời gian, chúng ta gọi đó là "trường hấp dẫn", trường hấp dẫn này quyết định quỹ đạo của vật thể đó. Học thuyết Tương Đối Rộng không coi tương tác hấp dẫn giữa hai vật thể như một lực (trọng lực) như trong Học thuyết Newton.
Từ khi học thuyết này được đề xuất, rất nhiều phép thử đã được áp dụng và học thuyết này trở thành học thuyết khoa học thành công nhất cho đến thời điểm hiện tại. Nó cũng là học thuyết thay đổi nhận thức của chúng ta về thực tại một cách ngoạn mục nhất, hình thành nhiều trào lưu văn hóa khác nhau.
Tuy nhiên một vấn đề nảy sinh khiến ông phải mất hơn 10 năm đi tìm đáp án. Học thuyết của ông không cho phép vũ trụ được tĩnh tại và ổn định. Vũ trụ sẽ phải giản nở hoặc co cụm lại khi áp dụng những phương trình trong học thuyết tương đối rộng. Ông giới thiệu một tham số khác gọi là hằng số vũ trụ, để cân bằng lại tính bất ổn của vũ trụ. Sau này, ông coi đó là sai lầm lớn nhất trong sự nghiệp của mình.
Để giải quyết vấn đề này của Einstein, vào những năm 1920, nhà toán học người Nga Alexander Friedman và nhà thiên văn học người Bỉ Linh Mục George Lemaitre đã độc lập áp dụng những phương trình của học thuyết này và cùng đi tới một kết luận: Đó là vũ trụ đang giản nở, hay còn được gọi một cách hài hước và có phần sai lạc là Vụ Nổ Big Bang. Cách gọi như vậy khiến chúng ta hình dung đến một vụ nổ diễn ra trong không gian, nhưng mô hình gợi ý là toàn bộ vũ trụ, bao gồm cả không gian-thời gian, đang giản nở vào cái "hư không".
Năm 1929, nhà thiên văn học Edwin Hubble đã khám phá ra một hiện tượng mà lúc đầu ông nghĩ là do sai sót. Quang phổ của những ngôi sao ở xa dường như có hiện tượng chuyển đỏ (redshift), gợi ý rằng tất cả những ngôi sao đó đang di chuyển ra xa khỏi người quan sát (tức trái đất) với tốc độ kinh ngạc. Bất kỳ nơi nào mà ông hướng kính thiên văn để quan sát, đều thu về kết quả tương tự, như thể Trái Đất là trung tâm của vũ trụ, và tất cả các ngôi sao trên bầu trời đang di chuyển ra xa khỏi chúng ta.
Kết luận hợp lý nhất cho hiện tượng đó là, thật sự vũ trụ đang giản nở. Khám phá đó đem lại cho ông giải thưởng Nobel. Dưới đây là một minh họa để giúp các bạn hình dung sự ngoạn mục của nó:
Hãy suy nghĩ về hiện tượng này. Nếu như vũ trụ đang giản nở ở thì hiện tại, tức là trong quá khứ nó đã nhỏ hơn. Giả sử chúng ta có thể du hành ngược thời gian, chúng ta sẽ thấy rằng vũ trụ càng ngày càng nhỏ lại và sẽ đi tới một thời điểm mà tất cả các vật chất và không gian-thời gian sẽ chồng chất lên nhau, khoảng cách giữa hai điểm bất kỳ trong không gian sẽ thu hẹp lại cho tới khi chạm số 0. Đó là khi chúng ta đối diện với sự khởi đầu của vũ trụ.
Các nhà khoa học tính toán rằng vũ trụ của chúng ta có thể đã bắt đầu hình thành khoảng 13,4 tỉ năm về trước. Khái niệm vũ trụ có một khởi đầu khiến các nhà khoa học đứng ngồi không yên vì nó hàm ý rằng, nếu vũ trụ bắt đầu tồn tại, tức là phải có nguyên nhân cho sự tồn tại của nó. Trong vòng gần 1 thập kỷ qua, rất nhiều nỗ lực đã được đề xuất để né tránh sự khởi nguyên của vũ trụ (tôi sẽ trình bày một vài nỗ lực đó trong phần Phản Đề).
Dầu vậy, càng nghiên cứu sâu vào, chúng ta càng thấy nhiều bằng chứng hơn về sự khởi đầu của vũ trụ. Nếu chúng ta trung thực với bằng chứng thực nghiệm, tiền đề 2 tỏ ra là đúng đắn. Hoặc khiêm tốn hơn, tiền đề 2 xem ra hợp lý hơn so với phản đề của nó trên cơ sở bằng chứng hiện tại.
Phản đề: Sự khởi đầu của vũ trụ và những nỗ lực bác bỏ nó.
Vũ trụ giao động: Vào khoảng năm 1960 một vài nhà lý thuyết cố gắng xây dựng mô hình một vũ
trụ giao động, theo thuyết đó thì vũ trụ đã từng và đang trong tình trạng giản nở và co rút , lại giản
nở và lại co rút từ trong quá khứ vô vùng.
Nhưng Định luật Nhiệt Động Lực học vẫn được áp dụng vào chính lý thuyết mà đã được thiết kết
để bác bỏ nó. Vì độ entropy tích tụ qua nhiều vòng tuần hoàn này tới vòng tuần hoàn khác, sẽ khiến cho mỗi vòng tuần hoàn trở có kích thước lớn hơn và trải dài hơn vòng tuần hoàn trước nó. Điều đó có nghĩa là nếu chúng ta đi ngược thời gian vế quá khứ thì các vòng tuần hoàn đó càng ngày càng nhỏ hơn cho tới khi chúng ta chạm tới vòng tuần hoàn đầu tiên và đó sẽ là nguồn gốc của vũ trụ. Trên thực tế, các nhà thiên văn học đã ước lượng dựa trên mức độ bức xạ của vũ trụ thì vũ trụ không thể nào trải qua hơn 100 vòng tuần hoàn được.
Vũ trụ con. Cuối cùng, có những phỏng đoán rằng có lẽ Lỗ Đen vũ trụ là lối vào một cái “hố sâu” trong không-thời gian mà qua đó vũ trụ sẽ du hành và hình thành ra các vũ trụ tí hon. Nếu “dây rốn” kết nối giữa vũ trụ mẹ và vũ trụ con bị đứt, thì vũ trụ con sẽ thành một vũ trụ độc lập. Có lẽ viễn cảnh đó đã kéo dài từ trong quá khứ vô cùng, và chúng ta là “con” của một dòng họ tổ tiên vô hạn?
Tuy nhiên, Định luật thứ 2 vẫn được áp dụng, nên quá trình đó không thể là vô cùng trong quá khứ. Không chỉ vậy, viễn cảnh đó mâu thuẫn với vật lý hạ nguyên tử( Sub-atomic Physics), khi mà nó đòi hỏi những thông tin đi vào trong hố đen phải ở lại vũ trụ của chúng ta. Đó là đề tài mà John Preskill và Stephen Hawking đã đặt cược, và vào năm 2004 Stephen Hawking đã công nhận rằng mình đã thua. Và đã đưa ra lời xin lỗi với những người hâm mộ khoa học viễn tưởng, Hawking công nhận, “Không có vũ trụ con nào nảy nở.” Vậy một lần nữa bằng chứng khoa học dựa định luật nhiệt động lực học đã xác nhận tính xác thực của tiền đề 2 của lý luận Vũ trụ học Kalam. Bằng chứng này đặc biệt ấn tượng vì Nhiệt động lực
học là ngành học được coi là một ngành học đã hoàn chỉnh nên xác xuất ngành này bị đảo lộn là rất nhỏ.
III. Do đó, vũ trụ có nguyên nhân cho sự tồn tại của nó. Dựa trên cơ sở khoa học và triết học, chúng ta có thể kết luận rằng vũ trụ đã được hình thành khoảng 13,4 tỉ năm trước, kéo theo việc vũ trụ có một nguyên nhân. Trong phần này, chúng ta sẽ đánh giá nguyên nhân khả dĩ dẫn đến sự hình thành của vũ trụ.
Câu hỏi được đặt ra ở đây là, nguyên nhân hình thành nên vũ trụ phải sở hữu những đặc tính gì? Bởi vì vũ trụ, bao gồm không gian-thời gian và vật chất, bắt đầu hình thành tại thời điểm vũ trụ ra đời, nên nguyên nhân của vũ trụ, dù là gì, thì cũng sẽ sở hữu ba đặc tính sau:
1. phi thời gian, vì thời gian được hình thành tại thời điểm vũ trụ ra đời
2. Phi không gian, do không gian được hình thành tại thời điểm vũ trụ ra đời
3. Phi vật chất, và không bị ràng buộc bởi các định luật vật lý, vì vật chất và các định luật vật lý cũng được hình thành tại thời điểm vũ trụ ra đời.
Trong triết học, có tồn tại hai loại vật thể phi vật chất, đó là lý trí và những vật thể trừu tượng (như số một, số hai,...). Chúng ta biết rằng con số không có mối quan hệ nhân quả với thế giới vật chất. Khi bạn làm phép cộng: 1 + 1 = 2. Kết quả "2" đó không biến thành $2 trong tay của bạn. Do đó, lý trí dường như là ứng viên thỏa mãn khả năng tương tác với vật chất.
Ngoài ra, khi một nguyên nhân đạt đủ điều kiện sẽ lập tức tạo ra hiện tượng. Ví dụ, nước ở nhiệt độ 100 °C sẽ có hiện tượng bốc hơi, không có thời điểm nào mà hiện tượng bốc hơi không xảy ra khi nước đạt nhiệt độ 100 °C. Cũng như vậy, nếu nguyên nhân của vũ trụ sở hữu điều kiện để hình thành vũ trụ, thì tại bất kỳ thời điểm nào nguyên nhân này tồn tại, thì hiện tượng, tức là vũ trụ, tồn tại. Nhưng khi chiếu theo phần trình bày phía trên, chúng ta có nguyên nhân tồn tại phi-thời gian, nhưng vũ trụ bắt đầu tồn tại cách đây khoảng 13, 4 tỉ năm.
Do đó, nguyên nhân của vũ trụ dường như phải có lý trí để chọn lựa thời điểm tạo nên vũ trụ. Tóm lại, nguyên nhân của vũ trụ sẽ có những đặc tính sau:
🌌 Phi-không gian
⌛ phi-thời gian
💡 phi-vật chất
💬 không phụ thuộc vào định luật vật lý và sở hữu lý trí.
Chúng ta có thể nói rằng những đặc tính này phù hợp với định nghĩa về Thượng Đế. Do đó, dường như là Thượng Đế tồn tại.
Comments